Nợ xấu là gì? Hướng dẫn kiểm tra nợ xấu miễn phí

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là thuật ngữ quen thuộc với những cá nhân hay doanh nghiệp thường xuyên vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về định nghĩa nợ xấu cho đến khi mình bị từ chối vay tiền tại những đơn vị này thì mới biết mình đang vướng vào nợ xấu.

Vậy, nợ xấu là gì? Nợ xấu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cá nhân không? Có thể xóa nợ xấu không? Làm thế nào để biết mình đang rơi vào nợ xấu? Trong bài viết dưới đây Gobank sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề nợ xấu.

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu có thể hiểu là những khoản nợ khó đòi, khi đến hạn thanh toán đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng nhưng khách hàng lại không thanh toán đúng hạn. Hoặc khách hàng không đủ khả năng để chi trả khoản vay bao gồm cả lãi và gốc cho bên cho vay hay nôm na là những khoản nợ quá hạn thanh toán. Thời gian quá hạn trên 90 ngày được coi là nợ xấu.

Những người dính vào nợ xấu sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống thông tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Và nhóm khách hàng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi có nhu cầu vay tài chính tại các ngân hàng hay các công ty tài chính lớn.

no xau 1
Nợ xấu là gì?

Phân loại các nhóm nợ

Theo Điều 10 Thông tư 02/2013 TT – NHNN do Ngân hàng nhà nước phát hành, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ thành 5 nhóm như sau:

Nhóm 1: nhóm nợ đủ tiêu chuẩn. Đây là nhóm khách hàng đã thanh toán khoản vay bao gồm tiền gốc và lãi đúng kỳ hạn hoặc thanh toán muộn không quá 10 ngày theo hạn thanh toán đã được ghi rõ trong hợp đồng vay vốn. Có thể xem xét và thực hiện khoản vay tiếp theo nếu khách hàng có nhu cầu.

Nhóm 2: nhóm nợ cần chú ý. Đây là nhóm khách hàng nợ quá hạn thanh toán từ 10 ngày đến 90 ngày và nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu. Sau 12 tháng khách hàng mới được thực hiện khoản vay tiếp theo.

Nhóm 3: nhóm nợ dưới tiêu chuẩn. Đây là nhóm khách hàng nợ quá hạn thanh toán từ 91 ngày đến 180 ngày. Sau 5 năm mới được thực hiện khoản vay tiếp theo.

Nhóm 4: nhóm nợ nghi ngờ có thể mất vốn. Đây là nhóm khách hàng nợ quá hạn thanh toán từ 181 ngày đến 360 ngày. Sau 5 năm mới được thực hiện khoản vay tiếp theo.

Nhóm 5: nhóm nợ có khả năng mất vốn. Đây là nhóm khách hàng nợ quá hạn thanh toán trên 360 ngày. Sau 5 năm mới được thực hiện khoản vay tiếp theo.

Như vậy, nợ xấu thuộc vào các nhóm 3, 4, 5 và có số ngày quá hạn thanh toán là trên 90 ngày. Nếu bạn thuộc vào 3 nhóm nợ xấu này, thì bạn sẽ không đủ đảm bảo uy tín khi có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức tài chính. Còn nếu bạn thuộc vào 2 nhóm nợ còn lại tức là nhóm nợ 1 và 2 thì vẫn có thể vay lại tại ngân hàng hay công ty tài chính nhưng cần phải đảm bảo một số điều kiện kèm theo.

image
Nợ xấu là gì? Hướng dẫn kiểm tra nợ xấu miễn phí 17

Nguyên nhân phát sinh ra nợ xấu là gì?

Nợ xấu phát sinh từ việc khách hàng không đủ khả năng chi trả khoản nợ. Vậy, một số lý do dẫn tới nợ xấu là:

  • Quản lý chi tiêu không hợp lý, bạn chi tiêu quá hạn mức, dẫn tới việc không còn đủ khả năng để trả nợ.
  • Lạm dụng thẻ tín dụng do ngân hàng cung cấp, chi tiêu không kiểm soát, số tiền bạn tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm ra. Dẫn tới không đủ khả năng để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
  • Mua hàng trả góp, vay vốn nhưng thanh toán khoản vay bao gồm tiền gốc và lãi không đúng kỳ hạn tại các ngân hàng hay công ty tài chính.
  • Khách hàng quên hoặc cố tình không thanh toán các khoản nợ, khoản phí phạt cũng là nguyên nhân dẫn tới nợ xấu.
  • Khách hàng không còn khả năng để thanh toán khoản nợ bắt buộc phải sử dụng tài sản để thế chấp.
  • Sử dụng nguồn tiền tiết kiệm trong tương lai.
  • Vay tiền để tham gia các tệ nạn xã hội như cờ, bạc,.. thì bạn rất khó để trả được nợ.
  • Các nguyên nhân khách hàng từ các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, làm ăn không thuận lợi,.. làm bạn không đủ tiền để chi trả cho khoản nợ.

Nợ xấu ảnh hưởng như thế nào?

Bất kỳ khách hàng nào đi vay vốn đều không mong muốn mình rơi vào nợ xấu. Bởi vì, nó mang tới những hậu quả khó lường như:

  • Nếu bạn thuộc vào nhóm nợ 3, 4, 5 thì các ngân hàng hay tổ chức tài chính sẽ rất khó để cho bạn vay vốn, do bạn có rất nhiều rủi ro khi thanh toán khoản vay. Bạn phải mất tận 5 năm sau thì tình trạng nợ trên hệ thống CIC của bạn mới được xóa và sẽ được phê duyệt khoản vay.
  • Không được sử dụng thẻ tín dụng. Do bạn rơi vào nhóm nợ xấu, nên không có bất kỳ ngân hàng nào muốn cấp hạn mức tín dụng cho bạn cả.
  • Tài sản thế chấp để vay vốn nguy cơ bị mất, do bạn không thể thanh toán được khoản vay.
  • Ảnh hưởng tới điểm tín dụng của khách hàng trên hệ thống CIC.
  • Ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân và người thân xung quanh.

Do đó, để không bị gánh những hậu quả nghiêm trọng ở trên, bạn hãy là người đi vay uy tín và thông minh. Cân nhắc khả năng kinh tế của bạn thân để lựa chọn khoản vay phù hợp và có kế hoạch chi trả nợ đúng kỳ hạn.

no xau la gi 4
Nợ xấu ngân hàng có ảnh hưởng như thế nào?

Hướng dẫn kiểm tra nợ xấu bằng CMND

Bạn muốn biết mình có bị rơi vào các nhóm nợ xấu hay không thì có thể kiểm tra thông tin nợ xấu thông qua 1 trong 3 cách sau đây:

Cách 1: Kiểm tra nợ xấu trên website CIC

CIC là Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia. Tại đây, sẽ cập nhập danh sách nợ xấu và hỗ trợ khách hàng kiểm tra nợ xấu hoàn toàn miễn phí. Các bước tiến hành kiểm tra nợ xấu tại website CIC được tiến hành như sau:

Bước 1: Truy cập vào website CIC tại địa chỉ: https://www.cic.org.vn/.

Bước 2: Nếu bạn đã có tài khoản thì chỉ cần bấm vào Đăng nhập ⇒ chọn Khai thác báo cáo để kiểm tra nợ xấu của bản thân.

Bước 3: Nếu bạn chưa có tài khoản cần tiến hành đăng ký như sau: Chọn mục Khai thác nhu cầuĐăng kýCá nhân

Bước 4: Điền đầy đủ và chính xác các thông tin mà hệ thống yêu cầu: Họ và tên, giới tính, số điện thoại, địa chỉ email, số CMND/CCCD, ngày cấp, nơi ở hiện tại, tạo mật khẩu đăng nhập. Sau đó bạn cung cấp ảnh chụp 2 mặt trước và sau CMND/CCCD và ảnh Selfie cùng CMND/CCCD.

Bước 5: CIC sẽ gửi tới số điện thoại bạn vừa đăng ký một mã xác thực OTP. Bạn chỉ cần nhập mã vào website là hoàn tất quá trình đăng ký tài khoản.

Bước 6: Sau 1 đến 3 ngày làm việc hệ thống CIC sẽ xác nhận thông tin chính chủ và trả kết quả về nợ xấu, thẻ tín dụng vào tài khoản email của bạn.

no xau la gi 1
Các bước kiểm tra nợ xấu trên website CIC

Cách 2: Kiểm tra nợ xấu bằng ứng dụng CIC

Ngoài ra, bạn cũng có thể tra cứu nợ xấu bằng cách tải ứng dụng CIC về điện thoại. Hiện, ứng dụng đang chạy cả trên 2 nền tảng là iOS và Android. Bạn có thể tải và tra cứu thông tin theo các bước sau:

Bước 1: Tải miễn phí và cài đặt app CIC trên điện thoại.

Bước 2: Tiến hành đăng nhập nếu khách hàng đã có tài khoản. Nếu chưa có tài khoản thì tiến hành đăng ký thông tin và cung cấp ảnh CMND/CCCD trên điện thoại giống như tạo tài khoản trên website. Sau đó 1 đến 3 ngày làm việc hệ thống sẽ gửi email thông báo xác nhận tài khoản.

Bước 3: Sau khi có tài khoản bạn tiến hành Đăng nhậpKhai thác báo cáoMức độ rủi ro để kiểm tra xem mình đang nằm trong nhóm nợ nào.

no xau la gi 2
Các nước kiểm tra nợ xấu bằng ứng dụng CIC

Cách 3: Kiểm tra nợ xấu trực tiếp tại ngân hàng, tổ chức tài chính

Bên cạnh hình thức tra cứu nợ xấu trên hệ thống CIC thì bạn có thể tới trực tiếp ngân hàng, tổ chức tài chính để được hỗ trợ tra cứu. Ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ sử dụng CMND/CCCD của khách hàng và tiến hành tra cứu trên hệ thống CIC. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất một khoản phí nhỏ giao động từ 30.000 – 100.000 VND cho dịch vụ kiểm tra nợ xấu này.

Nếu bạn không vướng vào nợ xấu và có nhu cầu vay vốn, thì ngân hàng sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho bạn.

no xau la gi 3
Hướng dẫn kiểm tra nợ xấu trực tiếp tại ngân hàng, tổ chức tài chính

Nợ xấu có xóa được không?

Sau khi biết mình rơi vào các nhóm nợ xấu, ai cũng mong muốn tìm được cách để xóa nợ. Mục đích của việc xóa nợ là giúp bạn tiếp cận được nguồn vốn ở những lần vay tiếp theo. Vậy, cách tốt nhất để xóa nợ là bạn tới trực tiếp các ngân hàng, tổ chức tài chính mà bạn đã vay để tiến hành thanh toán khoản nợ bao gồm tiền gốc, tiền lãi và tiền phạt thanh toán chậm.

Để cải thiện tình trạng nợ xấu và xóa sạch lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC bạn cần phải làm như sau:

Đối với những khoản thanh toán dưới 10 triệu: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/2/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bắt đầu từ ngày 01/12/2014 Ngân hàng Nhà nước ngừng cung cấp lịch sử tín dụng các khoản vay quá hạn dưới 10 triệu đồng “đã tất toán”.

Nếu bạn thanh toán khoản vay bao gồm tiền gốc lẫn lãi cho khoản vay dưới 10 triệu đồng thì sẽ được xóa khỏi danh sách nợ xấu trên CIC. Đồng nghĩa với việc bạn có thể tiến hành thủ tục vay vốn ngay. Như vậy, đối với việc thanh toán những khoản vay nhỏ sẽ giúp cho lịch sử tín dụng của bạn sạch hơn.

Đối với những khoản vay trên 10 triệu đồng: để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu khách hàng cần cố gắng thanh toán khoản vay gồm tiền gốc và lãi tính tới thời điểm thanh toán. Sau đó, bạn cần tới ngân hàng hay tổ chức tín dụng mà bạn vay vốn để làm văn bản xác nhận đã thanh toán khoản vay quá hạn và lý do khách hàng làm khách hàng phát sinh khoản nợ này.

Tất cả thông tin liên quan đến lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được cập nhập hàng tháng. Sau 12 tháng kể từ ngày từ ngày trả hết nợ xấu, thì nợ xấu sẽ được xóa khỏi lịch sử tín dụng của CIC. Lúc đó, bạn mới đáp ứng đầy đủ tiêu chí vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức cho vay tài chính. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng hỗ trợ khách hàng có lịch sử nợ xấu với nguyên nhân khách quan và khách hàng phải chứng minh được tình hình kinh tế để đủ khả năng chi trả cho khoản vay tiếp theo.

Đối với những khoản vay lớn: Dành cho nhóm khách hàng rơi vào nhóm nợ xấu thứ 3 trở đi. Nhóm khách hàng này sẽ có thời hạn là 5 năm để thanh toán khoản vay bao gồm tiền gốc, tiền lãi và phí phạt chậm (nếu có). Sau 5 năm kể từ ngày trả hết nợ, khách hàng sẽ được xóa khỏi danh sách nợ xấu và được ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay vốn mà không gặp bất kỳ khó khăn gì.

Tóm lại, nợ xấu ở nhóm nào cũng có thể xóa được sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, đối với nhóm nợ xấu 3, 4, 5 thì bạn mất 5 năm mới được vay vốn tiếp theo. Vì thế, bạn cần phải có nghĩa vụ thanh toán khoản vay đúng hạn để không ảnh hưởng tới những lần vay khác.

Có nên sử dụng dịch vụ xóa nợ xấu trên mạng?

Nắm bắt được tâm lý lo lắng của khách hàng khi rơi vào nợ xấu, đã có rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ xóa nợ xấu ngân hàng. Nhưng thực chất, những dịch vụ này không thể xóa được nợ xấu của khách hàng mà chỉ đang lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Những dịch vụ xóa nợ xấu này thường thu phí rất cao và bắt khách hàng thanh toán khoản phí trước mà không hề có sự cam kết trước. Dù họ không xóa được nợ xấu cho bạn thì cũng không đồng nghĩa với việc hoàn lại tiền phí cho bạn, vì đây là hành vi lừa đảo.

Chính vì thế, bạn cần phải cảnh giác với những dịch vụ lừa đảo này và luôn nhớ rằng nợ xấu chỉ xóa được khi bạn thanh toán kết khoản tiền gốc và lãi cho ngân hàng và xóa được sau thời gian nhất định.

no xau la gi 5
Có nên tin tưởng vào dịch vụ xóa nợ xấu không?

Lưu ý để tránh rơi vào nợ xấu?

Để không gặp khó khăn, rắc rối cho những lần vay vốn sau này, bạn hãy tham khảo những lưu ý sau đây để không bị rơi vào nợ xấu:

  • Trước khi quyết định vay vốn, người vay cần xem xét khả năng kinh tế của bản thân để lựa chọn gói vay cho phù hợp. Đồng thời, lên kế hoạch chi tiêu, trả nợ hợp lý để không bị rơi vào những tình huống bất ngờ, dẫn tới thanh toán khoản vay quá hạn.
  • Sử dụng hạn mức trong thẻ tín dụng để chi tiêu hợp lý.
  • Thường xuyên cập nhập thông tin liên quan đến khoản vay của mình. Đặt thông báo nhắc nhở trước ngày thanh toán khoản vay. Từ đó tính toán được củ thể và chính xác số tiền mình cần phải thanh toán mỗi kỳ để sắp xếp tài chính cho hợp lý.
  • Nên sử dụng những kênh thanh toán tự động để không bị vướng vào nợ xấu.
  • Nếu ý định vay vốn là để kinh doanh, cần sử dụng vốn hợp lý.
  • Luôn có ý thức là người đi vay uy tín để thanh toán, trả nợ theo đúng kỳ hạn.
  • Trong trường hợp khách hàng không thể thanh toán khoản vay đúng kỳ hạn cần chủ động liên lạc trước với ngân hàng hay tổ chức cho vay tài chính để có biện pháp gia hạn khoản vay hoặc tìm ra các biện pháp tối ưu nhất.

Hy vọng với những thông tin hữu ích mà gobank mang tới đã giúp các bạn hiểu được nợ xấu là gì, và những vấn đề xoay quanh nợ xấu. Nợ xấu có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới những lần vay vốn tiếp theo của bạn tại ngân hàng hay tổ chức tài chính.

Do đó, khi có nhu cầu vay vốn khách hàng nên cân nhắc lựa chọn cho mình khoản vay phù hợp và có kế hoạch chi tiêu hợp lý để thanh toán khoản vay đúng kỳ hạn, không bị rơi vào nợ xấu.

Thắc mắc liên quan đến nợ xấu ngân hàng

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là khoản nợ khó đòi, khi người vay không thể thanh toán khoản vay đúng hạn như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cụ thể thời gian quá hạn là trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.

Xác định nợ xấu thế nào?

Nợ xấu được xác định là thuộc vào các nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), 4 (Nợ nghi ngờ), 5 (Nợ có khả năng mất vốn) trong 5 nhóm nợ.

Ngân hàng nào cho vay nợ xấu?

Một số ngân hàng uy tín hỗ trợ khách hàng nợ xấu được vay vốn như: ngân hàng Shinhan, VIB, Ngân hàng Quốc dân – NCB, Citibank, ngân hàng Homer Credit,…

Nợ xấu nhóm 2 có vay ngân hàng được không?

Nếu bạn thuộc vào nợ xấu nhóm 2 thì sau 12 tháng kể từ ngày trả hết nợ, lịch sử tín dụng trên CIC được xóa và bạn được phép vauy tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng hỗ trợ nợ xấu nhóm 2 được vay vốn như: VPBank, TPBank, SHB, OCB, Shinhan Bank,..

 

Thông tin này có hữu ích không?


    Điều gì khiến bạn thấy bài viết chưa hữu ích?


    Bình luận